Nhiều doanh nghiệp TPHCM tiếp tục “đóng cửa” chỉ vì thiếu nguồn lao động

Đăng ngày 04/10/2021 lúc: 16:4484 lượt xem

Sau khi TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất kinh doanh để phục hồi. Tuy nhiên, trước mắt họ là muôn vàn khó khăn, trong đó có việc thiếu nguồn lao động nghiêm trọng.

Vẫn đóng cửa tiếp vì thiếu lao động

Từ ngày 15.9 đến nay, Công ty TNHH May Đức Thiện (huyện Hóc Môn, TPHCM) đã làm mọi cách để tìm người lao động chuẩn bị cho ngày công ty hoạt động trở lại từ 1.10. Thế nhưng, dù đăng tin trên mạng, giăng băng rôn trước công ty, gọi điện cho từng nhân viên cũ mời về làm,… nhưng vẫn không tìm đủ người lao động theo nhu cầu.

Ông Nguyễn Hoàng Đức – Giám đốc Công ty cho biết, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 buộc công ty phải đóng cửa và cho toàn thể công nhân tạm nghỉ việc. Mặc dù công ty vẫn trả phụ cấp bằng 50%/tháng lương cơ bản để giữ chân người lao động, nhưng do thời gian giãn cách dài, trong khi chí phi sinh hoạt hàng tháng gấp nhiều lần tiền lương phụ cấp, nên nhiều lao động bỏ về quê.

“Từ ngày 15.9 tôi đã thông báo trên nhóm là công ty sẽ dự kiến hoạt động lại từ đầu tháng 10, khi thành phố kết thúc giãn cách nghiêm theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, phần lớn công nhân đều trả lời là đang ở quê và chưa có dự định trở lại TPHCM. Thấy tình thế nguy cơ này, tôi lập tức đăng tin trên mạng để tuyển dụng, in băng rôn treo trước công ty, thế nhưng đến giờ này chỉ có một số ít người đăng ký, nên công ty vẫn phải đóng cửa tiếp vì không đủ số lượng nhân công tối thiểu để nhà máy hoạt động” – ông Đức nói.

 
 Nguồn nhân lực đóng vài trò quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Ảnh: HC

Ông Phạm Văn Đông, Phó GĐ Công ty TNHH Trang Tuấn (quận 12, TPHCM) mấy ngày nay như ngồi trên đóng lửa, vì đối tác bên Malaysia liên tục hối thúc giao đơn hàng, nếu không giao được thì họ sẽ hủy đơn hàng.

Theo ông Đông, ngành nghề chính của công ty là may sản phẩm trang phục để xuất khẩu đi thị trường Malaysia. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua, công ty từ sản xuất cầm chừng đến tạm dừng đóng cửa, dẫn đến tất cả lao động đều nghỉ việc.

“Sau khi nghỉ việc phần lớn trong số họ đã về quê, số còn lại thì đi tìm việc khác để làm, nên giờ gọi họ quay lại là không thể. Công ty đã lên phương án tuyển nguồn lao động mới nhưng rất khó tuyển, mà nếu có tuyển được thì phải mất một thời gian để đào tạo thì mới làm được sản phẩm đặc thù trang phục này. Trước mắt, công ty đành phải đóng cửa tiếp thêm một thời gian và chấp nhận để đối tác hủy đơn hàng”, ông Đông nói với vẻ tiếc nuối.

Muốn kinh tế phục hồi cần giải bài toán nhân lực

 
 Người lao động được xem là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Ảnh: HC

Bà Lê Thị Nương, Phó giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Việt (quận 6, TPHCM) cho biết, sau khi Thành phố nới lỏng giãn cách công ty đã mở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước mắt công ty gặp rất nhiều khó khăn như máy móc sau thời gian dài ngưng hoạt động đã xuống cấp, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm,… Trong nhiều cái khó này, thì theo bà Nương, bài toán nguồn nhân lực đang là đau đầu nhất.

“Máy móc hỏng, xuống cấp thì có thể thay mới hoặc bảo trì lại, nguồn nguyên liệu đầu vào hiếm thì vẫn có thể tìm đối tác khác để cung cấp thêm, thiếu vốn vẫn có thể cầm cố nhà đất để vay. Thế nhưng, cái lo lớn nhất hiện giờ là thiếu người lao động để làm, bởi đặc thù ngành sản xuất hàng mỹ phẩm này nó liên quan đến công nghệ pha chế. Vì vậy, chỉ những lao động được đào tạo và có tay nghề thì mới tham gia làm được, trong khi những lao động này họ đã về quê hết trong đợt dịch vừa qua” – bà Nương nói.

 
 Vấn đề cả triệu lao động nhập cư hồi hương sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng cả nền kinh tế TPHCM. Ảnh: NH

PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đô thị và Phát triển cho rằng, nguồn nhân lực được xem là tài sản lớn nhất của tất cả doanh nghiệp, đóng vai trò quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM phụ thuộc vào nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến, do vậy nếu để lực lượng này hồi hương thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“2 ngày qua báo chí đăng tin về việc nhiều lao động trở về quê, trước đó cũng có nhiều đợt người lao động hồi hương với số lượng lên đến cả triệu người. Tôi cho rằng đây là thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế TPHCM. Bởi lực lượng lao động nhập cư này, đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế của TPHCM và góp phần quan trọng đến sự thành công của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn” – bà Trân nói.

Theo bà Trân, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, tập trung nhiều doanh nghiệp nên rất cần nhiều lao động. Trong nhiều năm qua, Thành phố liên tục đón một lượng lớn lao động nhập cư đến làm việc, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khát lao động. Do vậy, việc cả triệu người lao động quay trở lại quê nhà như thời gian qua, sẽ làm cho cơn khát người lao động của doanh nghiệp càng thêm trầm trọng hơn.

“Đã đến lúc chính quyền TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và các cơ quan ban ngành liên quan cần đưa ra giải pháp để khắc phục thực trạng này. Muốn Doanh nghiệp sớm được phục hồi, muốn nền kinh tế của Thành phố sớm tăng trưởng trở, thì cần phải giải được bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay” – bà Trân nói

 
Đã đến lúc TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía nam bị ảnh hưởng dịch cần giải bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay. Ảnh: HC
HUÂN CAO
https://laodong.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-tphcm-tiep-tuc-dong-cua-chi-vi-thieu-nguon-lao-dong-959750.ldo

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *