Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH
Lo lắng về vấn đề về sức khỏe của nhân dân
Theo chương trình phiên họp thứ 4, sáng 11.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.
Báo cáo tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh. Một bộ phận người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt…
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, chính sách xã hội, việc làm, gói an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh, còn nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm. Việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; một bộ phận nông dân gặp khó khăn nhưng chưa được đưa vào diện hỗ trợ. Vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, vấn đề về sức khỏe tâm thần do giãn cách xã hội trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội.
Cũng theo ông Đỗ Văn Chiến, cử tri và nhân dân lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu.
Kiến nghị hỗ trợ đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, ông Đỗ Văn Chiến kiến nghị tiếp tục thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 tích hợp vào căn cước công dân. Quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, tâm lý xã hội, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mồ côi, hỗ trợ người yếu thế. Nghiên cứu đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào danh mục hàng hóa Nhà nước quản lý bình ổn giá.
Khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học. Từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh đầu cấp bậc tiểu học để đảm bảo chất lượng.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương khẩn trương có chính sách hỗ trợ đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Đề nghị Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm, chi phí cho phòng, chống dịch và các gói an sinh xã hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến tại cuộc làm việc này, báo cáo cần được bổ sung, cập nhật thêm một bước; giao Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công điện đôn đốc 63 đoàn đại biểu Quốc hội sớm gửi báo cáo tổng hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp để tiếp tục tập hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các nguồn để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.