Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim, karaoke… đang đứng trước bài toán nan giải bởi gần nửa năm qua vẫn phải “cửa đóng then cài” do giãn cách xã hội.
Quán bar, karaoke… bán rau, thịt đắp đổi qua ngày
Ông Nguyễn Quế Sơn, quản lý hệ thống karaoke ICool tại TP.HCM, cho hay hệ thống này có gần 20 chi nhánh. Bình quân mỗi tháng tốn khoảng 150 triệu đồng/mặt bằng, như vậy tiền thuê mặt bằng cho gần 20 chi nhánh hết khoảng 3 tỉ đồng/tháng.
Nhiều quán bar, karaoke… chuyển sang bán thực phẩm để cầm cự. – Ảnh: NGUYỆT NHI
Đó là chưa kể các khoản chi phí hỗ trợ lương cho gần 800 nhân viên trên toàn hệ thống. “Tính sơ sơ, chúng tôi phải chi 5 tỉ đồng/tháng, chưa tính việc trả lãi ngân hàng” – ông Sơn tính toán.
Để cầm cự qua dịch, từ hồi tháng 5, chuỗi kinh doanh nổi tiếng này chuyển sang bán đồ ăn. Ông Sơn giải thích: “Gần 20 chi nhánh của chúng tôi chuyển sang bán cà phê, thức ăn nhanh và chạy giao hàng trên cả ứng dụng giao đồ ăn. Đây là cách chúng tôi cầm cự và phải mở xuyên suốt để 800 con người trong hệ thống vẫn có công việc mưu sinh qua ngày”.
Một hệ thống karaoke khác là Kingdom Karaoke cũng đã đóng cửa từ ngày 30-4, khi thực hiện chỉ thị của UBND TP nhằm đảm bảo công tác phòng dịch. Sau gần nửa năm đóng cửa, Kingdom chuyển sang bán thức ăn nấu sẵn như bồ câu tiềm sâm, gà tre tiềm ớt hiểm và các món hải sản tươi sống khác để duy trì dòng tiền kinh doanh.
Đáng chú ý, phố nổi tiếng Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) vốn dĩ sầm uất, nhộn nhịp và thu hút lượng khách quốc tế đến nhiều nhất ở TP.HCM với đủ loại hình giải trí từ quán bar, club, karaoke đến quán nhậu. Nhưng sau gần năm tháng ngừng hoạt động vì giãn cách, nay nhiều quán bar, nhà hàng đã trở thành quầy bán rau củ, thịt, cá.
Sở hữu hai quán bar có tiếng tại khu phố Bùi Viện, chị Trần Thu Hương cho biết: Từ ngày 30-4, hai quán bar của chị đã phải đóng cửa. Mới đây, một quán được miễn tiền thuê mặt bằng, còn một quán được chủ mặt bằng giảm từ 150 triệu đồng/tháng còn 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hơn bốn tháng không có doanh thu khiến chủ quán vẫn gặp áp lực rất lớn về tiền thuê mặt bằng cùng nhiều chi phí khác.
“Trong suốt mùa dịch, để gồng gánh các khoản chi phí, tôi tận dụng mặt bằng để mở cửa hàng bán rau cầm cự nhưng không thấm tháp vào đâu so với chi phí bỏ ra” – chị Hương chia sẻ.
Rạp chiếu phim tiết kiệm tối đa mọi chi phí để tồn tại
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, cho biết hơn bốn tháng qua, hệ thống này với gần 80 cụm rạp trên cả nước phải ngừng hoạt động. “Thách thức lớn nhất của chúng tôi bây giờ là dòng tiền kinh doanh. Hiện nay, doanh thu phòng vé ở Việt Nam nói chung và CGV nói riêng đang ở mức gần như bằng 0, trong khi vẫn phải gồng gánh rất nhiều chi phí suốt thời gian vừa qua” – ông Hải cho hay.
Cùng trong tình cảnh này, đại diện hệ thống rạp chiếu phim BHD bày tỏ sự lo lắng về tài chính đang gần như cạn kiệt khi phải gồng gánh các khoản chi phí lãi vay ngân hàng, lương nhân viên, tiền bảo trì các hệ thống máy móc…
“Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng tôi cùng toàn thể nhân viên đồng lòng cắt giảm lương, tiết kiệm mọi chi phí tối đa để cầm cự. Tuy nhiên, nếu việc đóng cửa kéo dài hơn thì các nhà kinh doanh điện ảnh, rạp chiếu phim… khó cầm cự lâu hơn và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản” – người đại diện cho biết.
Đại diện BHD cũng cho hay hiện các đơn vị kinh doanh rạp chiếu phim mới chỉ được hưởng các hỗ trợ chung từ Nhà nước, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp (DN), ngành nghề kinh doanh giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 như tạm hoãn đóng BHXH hoặc giãn trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, lĩnh vực này bị đóng cửa lâu hơn, thiệt hại nặng nề hơn nhiều lĩnh vực khác vốn đã được mở cửa hoạt động trở lại. Vì vậy, họ mong muốn cơ quan chức năng có những chính sách riêng trong vấn đề hỗ trợ và có hướng dẫn cụ thể riêng cho các DN kinh doanh ngành điện ảnh, rạp chiếu phim…
Mong được mở cửa trở lại
Đại diện nhiều đơn vị kinh doanh bày tỏ việc đóng cửa những loại hình kinh doanh có không gian kín trong mùa dịch là điều dễ hiểu và sẵn sàng chấp hành. Tuy nhiên, họ mong muốn cơ quan chức năng cho phép DN chậm trả lãi ngân hàng, cho vay lãi suất thấp, kéo dài thêm thời gian trả nợ, không phạt chậm trả nợ. Qua đó để những người kinh doanh có thể xoay xở khi được phép hoạt động trở lại.
Đặc biệt, hầu hết đơn vị kinh doanh bày tỏ nguyện vọng lớn nhất lúc này là được mở cửa từng bước an toàn để hoạt động trở lại. Ông Tống Viết Quân, chủ club H.V và hai quán bar trên đường Phạm Ngũ Lão, cho hay sau khi TP.HCM yêu cầu các loại hình kinh doanh quán bar dừng hoạt động, quán đã nhanh chóng chuyển sang bán gạo, hải sản Phú Yên, rau củ Đà Lạt để duy trì chi phí điện nước, mặt bằng… song không đáng là bao.
“Tôi mong ước tới đây quán bar, club, karaoke… sẽ được mở lại dù là 50% công suất. Nếu được mở cửa, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm các yêu cầu như chỉ được nhận khách đã tiêm hai mũi vaccine, test nhanh tại quán, dù biết sẽ tốn chi phí nhưng nó cũng giúp chúng tôi thoát được cảnh phá sản” – người này kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, nói nếu mãi đến đầu năm 2022 rạp chiếu phim mới được tái hoạt động thì nhiều DN điện ảnh dù lớn hay nhỏ đều đứng trước nguy cơ phá sản. Điều tất yếu là sẽ kéo theo sự suy thoái của cả nền điện ảnh nói chung. Vì vậy, mong muốn lớn nhất lúc này của các nhà kinh doanh là được phép từng bước mở cửa theo các tiêu chí an toàn.
Theo Chỉ thị 18, TP.HCM tiếp tục tạm dừng các hoạt động như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít-tinh, lễ phát động; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo… Kiến nghị cho phép mở cửa từ ngày 15-10 Mới đây, 20 DN đại diện cho ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình như BHD, CGV, Đất Việt VAC, Thu Trang Entertainment… đã cùng ký vào công văn gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và UBND TP.HCM kiến nghị phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, trong công văn này các DN nhấn mạnh chỉ xin “cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới”. Cụ thể, đó là phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới bằng việc đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch từ ngày 15-10. “Nếu tiếp tục đóng cửa, nguồn phim và chương trình truyền hình nội địa sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân và từ đó dẫn đến nguy cơ lệ thuộc vào nguồn phim lẫn chương trình truyền hình nước ngoài” – đại diện các DN trên nêu rõ. Cần có kế hoạch hỗ trợ các ngành nghề chưa mở lại PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính, nhìn nhận việc bản thân các hoạt động như quán bar, club, vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim… đều hoạt động trong môi trường kín và có nguy cơ dễ lây lan dịch bệnh. Do đó, thông thường những ngành nghề này sẽ thuộc nhóm mở cửa sau cùng. “Vì vậy, tôi nghĩ trước mắt những cơ sở kinh doanh loại hình này tạm thời chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trên thực tế, bản thân các loại hình này rất năng động khi họ đã tự chuyển đổi sang kinh doanh khác phù hợp với tình hình hiện tại như bán thực phẩm, đồ ăn nhanh… Ngoài ra, các rạp chiếu phim cũng có thể đẩy mạnh khai thác kênh trực tuyến, người dùng sẽ bỏ tiền xem phim tại gia thông qua các thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại, tivi. Hay tạo ra các nhóm, câu lạc bộ để giới thiệu phim đã và đang chuẩn bị ra mắt… Từ đó nhằm giữ chân khách, tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại” – ông Thịnh nói. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần xem xét tới các phương án về hỗ trợ các gói vay vốn, lãi suất dành cho các đối tượng này, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Có như thế các đơn vị kinh doanh mới có thể vực dậy sau khi dịch bệnh được kiểm soát. |
https://plo.vn/kinh-te/nhieu-dich-vu-mong-cho-duoc-mo-cua-tro-lai-1020913.html