Muốn mở cửa, doanh nghiệp (DN) phải cử người đi lại thu mua, gặp gỡ đối tác… nhưng không ít người bị cách ly luôn, bằng nhiều cách khác nhau, khiến DN khóc dở mếu dở.
Nhiều doanh nghiệp gỗ có đơn hàng tăng nhưng thiếu nhân công do các biện pháp chống dịch của một số địa phương – Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Đơn đặt hàng tăng mạnh, thị trường xuất khẩu phục hồi nhanh. Nhiều doanh nhân tiếc đứt ruột vì muốn sản xuất cũng khó do chính sách kiểm soát dịch COVID-19 thiếu đồng bộ, khắt khe tại nhiều địa phương.
Lãnh đạo doanh nghiệp bị cách ly
Đang trong khu cách ly tập trung tại Bến Tre, bà Ngô Tường Vy – phó giám đốc Công ty XNK Chánh Thu (Bến Tre) – cho biết dù đi từ “vùng xanh” về nhưng do mới tiêm một mũi vắc xin phòng chống COVID-19 nên chính quyền yêu cầu bà cách ly tập trung 7 ngày và thêm 7 ngày cách ly tại chỗ.
Theo quy định mới do UBND tỉnh Bến Tre ban hành có hiệu lực từ ngày 19-10, những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 vẫn phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày đến địa phương và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo…
Theo bà Vy, tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 2 ở các tỉnh còn ở mức thấp trong khi còn không ít địa phương có những yêu cầu khác biệt đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và sản xuất, đặc biệt càng khó với đội ngũ quản lý DN do tính chất công việc phải thường xuyên di chuyển để ký kết, triển khai đầu tư.
Ông H.V. – chủ một dự án tại Kiên Giang – cho biết cũng vừa di chuyển bằng máy bay tới Kiên Giang. Dù đã tiêm hai mũi vắc xin cách tối thiểu 14 ngày và xét nghiệm âm tính COVID-19 còn hiệu lực nhưng vẫn bị yêu cầu “tự theo dõi sức khỏe 1 tuần”. Nói khéo là vậy, nhưng thực tế là cách ly tại nhà.
Dự án đang trong giai đoạn triển khai để chuẩn bị cho mở cửa du lịch, ông V. bị ảnh hưởng không nhỏ vì phải… ngồi yên một chỗ.
Vừa cập nhật cuối ngày 19-10, ông V. được thông báo địa phương đã điều chỉnh, nhưng theo doanh nhân này, Bộ Y tế quy định trường hợp đạt điều kiện di chuyển thì cá nhân chỉ cần “tự theo dõi sức khỏe”. Nhưng nhiều địa phương lại hiểu rằng đó là cách ly tại nhà, DN đành “chịu trận”.
“Bộ Y tế cần làm rõ hơn khái niệm “tự theo dõi sức khỏe” để hạn chế tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu. Nếu không sẽ là rào cản rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế khó hồi phục như kỳ vọng”, ông V. đề nghị.
Khó sản xuất, kinh doanh lại
Bà Lê Thị Xuyến – tổng giám đốc Công ty chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương) – cho biết địa phương không yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” và không yêu cầu giấy xét nghiệm COVID-19 với người từ nhiều địa phương khác. Nhưng việc đưa nhân lực lên nhà máy tại một vài tỉnh khác chưa thuận lợi do địa phương này vẫn kiểm tra, kiểm soát với người ngoại tỉnh.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương – phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, đơn hàng xuất khẩu đang tăng nhanh, thậm chí nhiều DN có đơn hàng sang giữa năm sau. Tuy nhiên, phần lớn các DN trong ngành hiện chỉ có khoảng 40 – 60% lượng lao động so với bình thường, thậm chí nhiều đơn vị có số lao động giảm mạnh dẫn đến nhà máy đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.
Theo ông Phương, các địa phương lân cận như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… có lượng lớn lao động di chuyển qua lại để đi làm. Ngoài TP.HCM và Bình Dương đã nới lỏng hơn, nhiều tỉnh thành vẫn yêu cầu khắt khe dẫn đến các DN gặp khó trong phục hồi nguồn lao động.
Rà soát để thống nhất phương án chống dịch
Nhiều DN đề nghị trung ương chủ động rà soát để thống nhất các biện pháp chống dịch với tiêu chí cụ thể hơn.
“Hiện tỉ lệ lao động được tiêm đủ 2 mũi tại nhiều DN còn ở mức thấp nên khó thỏa tiêu chí của nhiều tỉnh. Do đó, các địa phương cần xem lại phương án phòng chống dịch để tạo điều kiện cho DN sớm khôi phục sản xuất”, ông Nguyễn Chánh Phương đề xuất.
Theo bà Ngô Tường Vy, trung ương cần tính lại quy định phòng chống dịch để đảm bảo không địa phương nào được làm khác, có như vậy DN chủ động đáp ứng. Đồng thời nên có cơ chế di chuyển đặc thù với đội ngũ chủ DN.
“Khó đi lại trong thời gian dài nên DN tồn đọng nhu cầu công tác giao dịch ở các địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… Do đó, nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ khiến DN gặp khó”, bà Vy nói.
Tây Ninh vẫn quá khó?
Với tỉ lệ lao động được tiêm vắc xin mũi 1 hiện mới đạt 60% và mũi 2 mới 20%, đại diện một DN chế biến gỗ tại tỉnh Tây Ninh cho biết vẫn phải “3 tại chỗ”.
Đại diện một DN sản xuất hạt điều trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cho biết vẫn còn khó khăn trong đi lại. Lao động ngoài tỉnh vào vẫn phải trình giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 tại chốt kiểm soát, thậm chí lực lượng chức năng còn giữ lại giấy tờ tùy thân và trả lại vào cuối ngày khi lao động ra về. Với trường hợp lưu trú dài ngày thì người ngoài tỉnh khi vào phải thực hiện cách ly dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Trả lời Tuổi Trẻ vào chiều 19-10, đại diện Sở GTVT Tây Ninh cho biết đến ngày 19-10 tỉnh này vẫn duy trì các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ để phòng chống dịch. Với công nhân trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, công ty… tùy theo cấp độ dịch, DN xây dựng phương án sản xuất phù hợp như “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc phương án kết hợp.
Người dân từ các tỉnh đến Tây Ninh đi về trong ngày không cần để lại giấy tờ tùy thân tại chốt (sau ngày 11-10) nhưng cần khai báo y tế tại chốt…
Người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ vắc xin sẽ tự cách ly tại nhà (14 ngày) dưới sự quản lý của địa phương. Lực lượng liên ngành tiếp tục phối hợp, kiểm soát tại các cửa ngõ vào tỉnh nhưng không làm trở ngại đến các hoạt động khác (lưu thông hàng hóa, sản xuất, đi lại…).
N.TRÍ – CHÂU TUẤN
“Chúng ta không nên cát cứ nữa”
Ngày 19-10, UBND TP Cần Thơ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 6 tỉnh vùng nam sông Hậu, gồm Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang, để bàn về liên kết, hợp tác trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Ông Lâm Minh Thành – chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – đề xuất thực hiện nghiêm nghị quyết 128 của Chính phủ. “Kinh nghiệm là chúng ta không nên cát cứ nữa. Thủ tướng đã chỉ đạo rồi, nếu mỗi nơi, mỗi chỗ tự ban hành quy định thì chắc chắn chúng ta tự làm khó chúng ta và làm khó cho cái chung…” – ông Thành nói và đề nghị thành lập các chốt kiểm soát liên tỉnh, chỉ kiểm soát dịch chứ không kiểm soát đi lại, lưu thông. Nếu lập chốt đầu ngõ các tỉnh thì việc qua lại rất phiền.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang cũng đề nghị các tỉnh trong tiểu vùng sớm công bố cấp độ dịch của từng địa phương để các tỉnh có cơ sở cách ly hoặc hướng dẫn người đến địa phương mình, có sự thống nhất.
Về giao thông vận tải, các tỉnh thành này thống nhất: với địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2 thì hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường (kể cả nội tỉnh và liên tỉnh). Với địa bàn có dịch cấp 3, các sở GTVT tham mưu UBND tỉnh quyết định đảm bảo theo nguyên tắc không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện. Với địa bàn có dịch ở cấp 4 thì dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ôtô gồm: vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh (trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử)…
Chí Quốc
https://tuoitre.vn/di-lai-the-nay-sao-ma-lam-an-20211019221602652.htm