Các chuyên gia dịch tễ cho rằng việc các phương tiện từ các tỉnh thành như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận… vào TP.HCM vẫn bị lực lượng chức năng yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 là điều không cần thiết.
Người dân chờ khai báo y tế, kiểm tra giấy xét nghiệm và thẻ xanh tại chốt cửa ngõ trạm thu phí Long Phước chiều 19-10 – Ảnh: MINH HÒA
Nhiều bạn đọc phản ánh tới Tuổi Trẻ Online về việc tại trạm thu phí Long Phước (TP Thủ Đức), lực lượng cảnh sát giao thông vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với tất cả người ngồi trên xe khi vào TP.HCM.
Người không có giấy xét nghiệm âm tính nhưng tiêm đủ hai mũi vắc xin, khai báo y tế đầy đủ buộc phải quay đầu tìm nơi xét nghiệm.
Mâu thuẫn, vô lý
Thực tế không chỉ riêng chốt này, bởi theo đại diện Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, hiện lực lượng chức năng tại 12 chốt cửa ngõ vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với người dân ra vào TP.HCM như trước đây, vì chưa nhận được chỉ đạo mới từ cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, tiếp tục kiểm tra giấy xác nhận tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin, hoặc mũi 1 sau 14 ngày, hoặc F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày, kèm giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong thời hạn 72 giờ người dân mới được vào TP.HCM.
Thực tế này, theo nhiều người dân là bất cập và mâu thuẫn. Bởi khi từ TP.HCM (vùng có nguy cơ cao – hiện theo tiêu chí của Bộ Y tế đang ở giữa vùng vàng (nguy cơ trung bình) và vùng cam (nguy cơ cao) đi các tỉnh (nguy cơ thấp) không bị kiểm tra giấy xét nghiệm. Do đó không lý do gì đi từ các tỉnh (nguy cơ thấp) vào TP.HCM (vùng nguy cơ cao) lại phải kiểm tra và bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều chuyên gia dịch tễ khẳng định thực tế nêu trên là mâu thuẫn, bất hợp lý và cần phải điều chỉnh ngay.
“Chúng ta ở vùng nguy cơ cao khi đi các tỉnh bị làm khó còn có lý. Đằng này người từ các tỉnh ít nguy cơ vào vùng nguy cơ cao, lại phải có giấy xét nghiệm âm tính là điều vô lý, nên bỏ ngay để tránh phiền hà và không cần thiết”, một chuyên gia đánh giá.
Một chuyên gia khác cho hay, nếu cần chỉ nên giám sát người có triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… Còn với người tiêm đủ hai mũi vắc xin, hoàn toàn khỏe mạnh, khai báo y tế đầy đủ nên tạo điều kiện thuận tiện cho họ đi lại.
“TP.HCM tỉ lệ tiêm chủng vắc xin nhiều nhất, và đạt tỉ lệ bao phủ cộng đồng cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác (mũi 1 là 98,8%, 2 mũi là 76,3%; trong đó, tỉ lệ trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 76,11%), thành ra phải mở cửa để phát triển kinh tế, không thể kiểm soát một cách khắt khe như vậy, là điều không nên chút nào cả”, chuyên gia dịch tễ này khuyến cáo.
Ai mới cần phải xét nghiệm?
Trong hướng dẫn tạm của Bộ Y tế về việc xét nghiệm (cụ thể hóa nghị quyết 128 của Chính phủ) cho thấy các nhóm đối tượng nêu trên chưa thuộc trong diện phải làm xét nghiệm khi di chuyển, do đó việc phải có giấy xét nghiệm âm tính là điều không cần thiết (từ vùng nguy cơ thấp vào vùng nguy cơ cao).
Cụ thể việc xét nghiệm chỉ thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ; với các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…
Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh (F0): chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải yêu cầu gì?
Ngày 16-10, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không).
Theo đó, hành khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) chỉ cần phải đáp ứng các yêu cầu như tuân thủ thông điệp 5K, khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các quy định về đối tượng xét nghiệm được áp dụng theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế nêu trên.
https://tuoitre.vn/chuyen-gia-khong-can-thiet-doi-giay-xet-nghiem-am-tinh-nguoi-vao-tp-hcm-20211019213733271.htm