“Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Lập kế hoạch phục hồi và phát triển các khu, hệ sinh thái, đa dạng sinh học bị suy giảm, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và từ biển, đảo…”.
Đây là một trong những nội dung được ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu ra khi phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022 vừa được tổ chức hôm qua tại Phú Yên.
Cách đây mấy ngày, không ít cơ quan báo chí loan tin, hình ảnh hệ sinh thái dưới đáy biển Hòn Mun (Nha Trang) trở nên tan hoang. Dưới đáy biển khu phía Đông Bắc và Tây Nam Hòn Mun, hàng loạt san hô chết, phủ trắng một vùng rộng hàng trăm mét vuông. Cạnh đó, nhiều san hô bị chết nổi lên mặt biển, theo sóng đánh dạt vào bờ. Theo các nhà khoa học, việc san hô “chết trắng” trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang rất khó để phục hồi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển trong khu vực.
Chớ coi thường rạn san hô dưới biển. Nó là môi trường biển, là cân bằng sinh thái.
Với Việt Nam, biển không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là tiềm năng, nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội. Nghị quyết 09 – NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhận định: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”. “Khu vực biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng… với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, ngày nay biển càng có vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước”.
Sau Nghị quyết 09 – NQ/TW, chúng ta có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thực hiện 2 nghị quyết quan trọng này, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của các địa phương và đất nước.
Đáng tiếc, tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá trong Nghị quyết chưa được bố trí phù hợp. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến như: Quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển còn chậm được áp dụng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ.
Từ đó kinh tế biển phát triển chưa được như kỳ vọng, vấn đề ô nhiễm môi trường biển đã và đang ở mức báo động. Câu chuyện san hô chết trắng ở Nha Trang chỉ là một ví dụ gần.
Làm sao để con người, trước hết là dân sống ven biển, khách du lịch và tham gia hoạt động kinh tế biển không “tàn nhẫn” với biển? Ngoài tuyên truyền, rõ ràng cần hành lanh pháp lý. Biển mênh mông đấy, nhưng nguồn lực không phải vô tận, nếu không biết giữ gìn, tái tạo.