Bảo tàng Quân Khu 7 (bao gồm BT LLVT miền Đông Nam Bộ và BT Chiến dịch Hồ Chí Minh) từng bước triển khai thực hiện “Dự án xây dựng Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh giai đoạn từ 2022-2025” theo hướng hiện đại, là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) theo Kết luận của Quân ủy Trung ương.
Do đó, Ban Giám đốc giao nhiệm vụ cho công tác nghiên cứu sưu tầm, tập trung nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, các tư liệu hiện vật nhằm đưa hiện vật vào hệ thống trưng bày theo đề án mới, phục vụ tốt nhất cho khách tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học.
Trong hoạt động bảo tàng, công tác nào cũng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu, sưu tầm hiện vật có thể xem là khâu “tiền đề vật chất’ cho toàn bộ hoạt động. Trong quá trình nghiên cứu sưu tầm, các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân khu 7 đã sử dụng phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, phương pháp nghiên cứu liên ngành để đạt được kết quả cao theo đúng nguyên tắc bảo tàng.
Trong giai đoạn hiện nay, công tác sưu tầm các tài liệu, hiện vật thời chống Mỹ của Bảo tàng Quân khu 7 gặp nhiều khó khăn do chiến tranh đã lùi xa. Các nhân chứng lịch sử tuổi cao không còn minh mẫn, một số đã trở về quê hương nên khó khăn trong việc khai thác thông tin và sưu tầm tài liệu, hiện vật. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đòi hỏi phải ứng dụng các trang thiết bị hiện đại.
Đứng trước những cam go và thách thức, các cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm bảo tàng đã không ngừng nỗ lực học hỏi, khắc phục mọi khó khăn tiến hành sưu tầm theo nhiều hình thức; tập trung chú trọng việc tổ chức các đợt khảo sát đến các các vùng căn cứ cách mạng, gia đình các bác cựu chiến binh… để sưu tầm các tài liệu, hiện vật tiêu biểu, đặc sắc về hiện vật thời kháng chiến,…
Dù trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các chuyến điền dã để có được những tài liệu, hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học… nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sự cố gắng thầm lặng, hoạt động nghiên cứu khoa học, sưu tầm đã đưa được những hiện vật gốc về bảo tàng. Dựa trên nền tảng đó để mang đến những câu chuyện lịch sử có ý nghĩa sâu sắc nhất tới công chúng.
Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, đến nay Bảo tàng Quân Khu 7 đã lưu giữ khoảng 23.000 tài liệu, hiện vật các loại. Các hiện vật sau khi được đưa về bảo tàng đã được phân loại theo loại hình, xử lý kỹ thuật và nhập kho theo đúng quy định để phục vụ cho các hoạt động của bảo tàng. Hiện Bảo tàng đang sở hữu nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa. Hằng năm, để sưu tầm hiện vật mới, công tác sưu tầm còn được tiến hành song song với việc lập các kế hoạch sưu tầm bổ sung cho các sưu tập hiện vật đã có trước đây để làm phong phú thêm khi đưa ra trưng bày giới thiệu với khách tham quan trong và ngoài nước.
Bảo tàng là thiết chế văn hóa đặc thù với các hoạt động dựa trên cơ sở hiện vật gốc. Mọi khâu công tác nghiên cứu của bảo tàng đều liên quan đến hiện vật gốc. Vì vậy, các cán bộ, nhân viên sưu tầm tại bảo tàng được ví như “Những chú ong chăm chỉ, cần mẫn, âm thầm, lặng lẽ mang đến hương thơm, mật ngọt cho đời” như lời chia sẻ của Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp – Giám đốc Bảo tàng Quân Khu 7.
Đại tá Nguyễn Ngọc Diệp cho biết, thời gian tới, Bảo tàng Quân Khu 7 sẽ tiếp tục khắc phục mọi khó khăn để hoạt động nghiên cứu, sưu tầm đạt kết quả cao. Các cán bộ, nhân viên tập trung sưu tầm các tài liệu, hiện vật của các nhân vật lịch sử, các thời kỳ; đặc biệt là hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ – Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Qua đó, nhằm lưu giữ và phát huy những giá trị về lịch sử, bản sắc văn hóa, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Một số hình ảnh sưu tầm của Bảo tàng Quân Khu 7:
TẠ TÙNG- LÊ DUÂN