Cảm ơn những ngày vì Sài Gòn

Đăng ngày 09/10/2021 lúc: 10:39133 lượt xem

Trước 15-10, lực lượng chi viện cho TP.HCM sẽ rút về để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như trước. Cảm ơn và hẹn gặp lại các anh chị, khi một Sài Gòn thật Sài Gòn!

Cảm ơn những ngày vì Sài Gòn - Ảnh 1.

Đội ngũ y, bác sĩ Đại học Y Dược Thái Bình chi viện cho TP.HCM điều trị COVID-19 – Ảnh TỰ TRUNG

Phạm Văn Phương là một điều dưỡng của Bệnh viện E Hà Nội, được cử vào tăng cường tại Trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Một tháng rưỡi, theo lịch ba ca – bốn kíp, đúng giờ Phương ra khỏi khách sạn ở quận 1, lên xe và được chở thẳng đến bệnh viện ở TP Thủ Đức, mặc đồ bảo hộ, bước vào khu ICU. Hết ca trực 8 tiếng đồng hồ, Phương bước ra, cởi bỏ đồ bảo hộ, tẩy trùng, lên xe về khách sạn.

Nghỉ ngơi – gọi điện về cho vợ, cho cha mẹ – học hỏi, ghi lại những kinh nghiệm nghề nghiệp vừa học được, chuẩn bị cho ca trực tiếp theo.

Một tháng rưỡi, Phương chưa một lần nhìn thấy Sài Gòn “như trong truyền thuyết”: lộng lẫy – xa hoa, náo nhiệt – sôi động, cởi mở – mới mẻ, sảng khoái – bao dung… Được phân vào khoa nhận những bệnh nhân nặng nhất của bệnh viện tuyến cuối, Phương chỉ thấy Sài Gòn đang quặn đau qua hình hài những bệnh nhân khát thở.

Cố ý chở Phương đi một vòng trung tâm TP sau một ca trực, chúng tôi vẫn chỉ nhận được ánh mắt đau đáu: “Đây là lần đầu tiên tôi đến TP.HCM. TP rất đẹp nhưng tôi không có tâm trạng nhìn ngắm. Trong tôi chỉ có một suy nghĩ: cố gắng hết khả năng để giúp bệnh nhân, cố gắng hết sức để hết dịch thì về nhà. Hẹn gặp lại TP ngày nào đó vui vẻ hơn”.

Phương là một trong hàng ngàn lượt y bác sĩ, nhân viên y tế đã tình nguyện đến TP.HCM trong tâm điểm của đợt dịch. Đón các anh chị là những bệnh viện dã chiến quá tải, những bệnh nhân đang mất dần hơi thở, đường phố giăng dây, ngõ hẻm rào chắn, cửa hiệu tắt đèn…

Một TP.HCM tổn thương mất mát. Một Sài Gòn không còn “ngựa xe như nước, chào nói xôn xao”. “TP khó khăn thì mới cần đến chúng tôi” – bác sĩ Lê Văn Hưng, đoàn Phú Thọ, đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến Bình Chánh, nhấn mạnh.

Các y bác sĩ bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế đã làm việc hết tốc lực để xây dựng, thiết kế nên những trung tâm hồi sức quy mô hiện đại từ bãi đất trống, nhà xưởng chỉ trong vòng vài tuần.

Đến TP.HCM những ngày căng thẳng nhất, ai ai cũng buông balô xuống là lập tức vào cuộc. Với sự dốc sức dấn thân của họ, TP đã vượt qua đỉnh dịch tang thương, mỗi ngày con số tử vong đã giảm, con số xuất viện đã tăng, cuộc sống sôi động trong “bình thường mới” đã dần trở lại.

Những bệnh nhân còn lại sẽ được chuyển về Chợ Rẫy, Y dược, Nhiệt đới, 115, 175… Các y bác sĩ lại tiếp tục căng mình đón những ngày mới. Trên cả nước, đường phố lại mỗi lúc một đông, nhịp thở hồi sinh trong âu lo, hồi hộp.

Trước 15-10, lực lượng chi viện cho TP.HCM sẽ rút về để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như trước. Buổi giã bạn này không nhiều mừng vui, cũng chưa thể hân hoan chiến thắng nhưng những trải nghiệm nghề nghiệp mà họ đã cùng nhau vượt qua trong sinh tử, trong mồ hôi, nước mắt, trong cảm giác không thể diễn tả khi kéo được bệnh nhân lên khỏi vực thẳm của cái chết thì sẽ còn lại mãi mãi.

Và trước mặt có là gì đi nữa, thì chúng ta đều đã được minh định thêm lần nữa niềm tin: chúng ta đã – đang – và sẽ nắm chặt tay nhau để cùng bước tới.

Và hàng triệu người dân TP lúc này, không có lời nào để nói ngoài một cái cúi đầu thật sâu: Cảm ơn và hẹn gặp lại các anh chị, khi một Sài Gòn thật Sài Gòn!

https://tuoitre.vn/cam-on-nhung-ngay-vi-sai-gon-2021100807471232.htm

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *