Từ ngày 4-10, người lao động, chuyên gia có thể dùng xe hơi, xe máy tự đi lại liên tỉnh giữa TP.HCM với 4 tỉnh giáp ranh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Tây Ninh mỗi ngày với một số điều kiện cơ bản.
Ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên Quốc lộ 13, giáp ranh TP.HCM với tỉnh Bình Dương đặt tại chân cầu Vĩnh Bình, lực lượng chức năng kiểm tra 24/24 các phương tiện lưu thông sang tỉnh Bình Dương.
Theo đó, người lao động muốn qua được các chốt này phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần). Đồng thời, phải có giấy xác nhận tiêm ngừa vaccine COVID-19 ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Một người dân xuất trình chứng nhận tiêm vaccine COVID -19 khi đi ngang chốt cầu Vĩnh Bình.
Bên cạnh xe máy, các phương tiện ô tô, xe luồng xanh cũng được kiểm tra nghiêm ngặt.
“Trong ngày đầu tiên TP.HCM cho phép lưu thông 4 tỉnh giáp ranh, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Đa phần người dân chấp hành tốt chuẩn bị từ trước các giấy tờ liên quan để được qua chốt.” – Thiếu tá Hoàng Minh Cường, Cục Cảnh sát hình sự Bộ công an, Trưởng chốt G7 cho biết.
Người đi xe ô tô xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine và kết quả test âm tính COVID-19.
Nhiều người dân còn mang thêm giấy chứng nhận công việc trình lên lực lượng chức năng.
Các doanh nghiệp tổ chức xe ô tô chở công nhân, chuyên gia từ các tỉnh từ TP.HCM đến cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn Bình Dương và ngược lại phải đảm bảo hai điệu kiện trên và chở không quá 50%.
Tài xế và người phục vụ trên xe cũng phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, định kỳ 7 ngày/lần.
Các xe luồng xanh cung cấp mã QR nhận diện phương tiện.
Trong ngày, chốt tiếp tục kiểm soát người dân đi xe máy về các tỉnh miền Trung. Khi qua đây họ phải điền đầy đủ thông tin cá nhân, đồng thời đáp ứng được điều kiện tiêm ít nhất một mũi vaccine và có xác nhận âm tính COVID-19.
Hai vợ chồng chị Thúy và con gái chạy xe máy về tỉnh Đắk Lắk. Chị cho biết gia đình đã chuẩn bị hết các loại giấy tờ, sẵn sàng xuất trình khi cần thiết.
Theo lực lượng chức năng, người dân khi về quê nếu không có giấy test âm tính sẽ bị yêu cầu quay đầu xe đến điểm test gần đó để được hỗ trợ.
Việc đi lại của người lao động thực hiện theo 2 hình thức: di chuyển tập trung bằng xe đưa rước và đi lại bằng xe cá nhân. Đây phương án cho người lao động đi lại giữa các tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.
https://plo.vn/video-photo-hi-hoa/anh/chum-anh-ngay-dau-tien-nguoi-lao-dong-luu-thong-4-tinh-giap-ranh-tphcm-1019463.html