Để hạn chế rủi ro tàu bị bắt giữ vì còn nợ tiền dầu khi cho thuê tàu định hạn

Đăng ngày 07/05/2022 lúc: 16:50541 lượt xem

Đã xảy ra một số trường hợp bị kiện đối với chủ tàu cho thuê tàu định hạn, đó là, một thời gian sau khi người thuê tàu định hạn trả tàu, tàu đã bị bắt giữ tại một cảng nào đó với lý do tàu chưa trả tiền mua dầu (nhiên liệu). Chủ tàu cho rằng trách nhiệm trả tiền mua dầu là của người thuê tàu định hạn theo hợp đồng thuê tàu định hạn, không liên quan gì đến chủ tàu. Tuy việc bắt giữ tàu như vậy đúng hay sai còn phải chờ Tòa án giải quyết nhưng thiệt hại đã xảy ra vì tàu phải chờ đợi. Do đó, vẫn nên có các biện pháp phòng, tránh để hạn chế tổn thất để bạn đọc tham khảo.

Ảnh minh họa

Bắt giữ tàu như vậy có hợp pháp hay không vẫn đang còn được tranh cãi mặc dù chủ tàu không có quan hệ gì trong hợp đồng mua bán dầu giữa nhà cung ứng (bên bán) và người thuê tàu định hạn. Một vài tòa án, trọng tài, trên thế giới có quan điểm là trong trường hợp bán dầu cho tàu mà lại không được trả tiền thì bên bán dầu có quyền khởi kiện để bắt giữ tàu. Người đặt mua dầu có thể là người thuê tàu định hạn hoặc người được cho thuê lại (sub-time charter). Bên bán chỉ cần biết “tàu chưa trả tiền” là có thể khiếu nại và có quyền yêu cầu tòa bắt giữ tàu. Vấn đề ở đây là, mặc dù chủ tàu không “dính dáng” gì đến hợp đồng mua bán giữa người thuê tàu định hạn và bên bán dầu nhưng tòa án và trọng tài có thể đưa ra quan điểm là tàu đã dùng dầu mà dầu này lại chưa được trả tiền nên tàu phải trả tiền. Sau đó, chủ tàu hoàn toàn có quyền đòi người thuê tàu định hạn bồi thường thiệt hại phát sinh nhưng thực tế thì rất khó thu được kết quả như mong muốn, vì trong một số trường hợp, người thuê tàu định hạn đã “lặn mất tăm” hoặc không trả lời vì họ thường đã có ý định từ trước khi làm việc này.

 

Có một số cách để hạn chế tình trạng “bỗng dưng muốn khóc” vì tàu bị bắt giữ. Đó là làm sao để bên bán dầu biết rằng chủ tàu không có trách nhiệm trả tiền mà trách nhiệm đó thuộc về người thuê tàu định hạn hoặc người thuê lại của họ. Một số chủ tàu cho in sẵn một số mẫu giấy hoặc làm con dấu (bằng cao-su, gỗ…) để đóng lên đơn/phiếu đặt mua dầu (order) cho biết người thuê định hạn có trách nhiệm trả tiền. Thuyền trưởng cũng đóng dấu có nội dung đó lên hóa đơn đòi tiền của bên bán để họ biết rằng chủ tàu không có trách nhiệm thanh toán.

 

Nội dung “thông báo” đó (theo hướng dẫn của BIMCO) như sau: ‘Important Notice’-The goods and/or services being hereby acknowledged, receipted for, and/or ordered are being accepted and/or ordered solely for the account of charterers of the S/S/M/S… and not for the account of said vessel or her owners. According, no lien or other claim against said vessel or her owners can arise therefore. (name) OWNERS OF THE (type) VESSEL (name) (Thông báo quan trọng – Hàng hóa và/hoặc dịch vụ được xác nhận, tiếp nhận và/hoặc đặt hàng theo chứng từ này hoàn toàn chỉ được coi là việc chấp nhận và/hoặc đặt mua của người thuê tàu định hạn của tàu (ghi tên tàu) và hoàn toàn không phải là việc chấp nhận và/hoặc đặt mua hàng của tàu hay của chủ tàu. Vì vậy, không có căn cứ làm phát sinh bất kỳ khiếu nại bắt giữ tàu hay khiếu nại nào khác. (ghi tên chủ tàu và tên tàu). Tuy vậy, dùng cách trên vẫn chưa có nhiều tác dụng vì người bán dầu thì muốn bán, coi việc thanh toán là của phía tàu vì đã có “vật bảo đảm” là… con tàu. Ngay cả việc đóng dấu có nội dung đó lên hóa đơn đòi tiền thì e rằng cũng hơi muộn vì dầu đã được cấp cho tàu. Về lý mà nói, lẽ ra người thuê tàu định hạn phải gửi phiếu đặt mua dầu trực tiếp cho bên bán để xác nhận mình là người phải trả tiền. Nhưng trên thực tế, bên bán nhận được yêu cầu của thuyền trưởng (máy trưởng, thuyền phó nhất…) ký mà thuyền trưởng là đại diện cho chủ tàu (trên nhiều phương diện) nhưng lại làm theo chỉ thị của người thuê tàu định hạn về mặt khai thác tàu (chẳng hạn như lấy dầu cho tàu) theo hợp đồng thuê tàu định hạn. Nhiều người bán cứ thấy “order” (phiếu đặt mua) là “sướng” rồi, còn sau này nếu không được thanh toán thì… bắt tàu. Chính vì sự “nhập nhèm” này nên chủ tàu phải “tự cứu mình trước khi… không ai có thể cứu”. Có khi người thuê tàu định hạn (“hạnh kiểm” yếu) thông báo cho bên bán dầu là mình sẽ trả tiền nhưng sau đó lại “” nợ (dễ xảy ra vào lần lấy dầu cuối cùng trước khi trả tàu cho chủ tàu) thì tàu sẽ bị “vạ lây”. Vì vậy, có đóng dấu vào hóa đơn cũng khó bảo đảm có kết quả tốt.

 

Một cách hiệu quả hơn là sử dụng văn bản lưu ý về trách nhiệm trả tiền, còn gọi là “thông báo miễn trách”- Chủ tàu hay đại lý ký và gửi (có thể gửi bảo đảm – thư ghi số) cho những người sẽ cung cấp dầu mà người thuê tàu định hạn phải trả tiền. Tác dụng của văn bản này là làm cho bên bán biết rằng dầu được đặt mua với tên người mua là người thuê tàu định hạn – người có trách nhiệm trả tiền dầu. Có thể tham khảo nội dung thư hướng dẫn của BIMCO như sau:

Dear Sirs, (date)

We have recently chartered our (nationality) flag (type) vessel named the (name) to Messrs (name) of (place) as charterers.

It has come to our attention that in your capacity of (type of furnisher) at the ports (s) of (name of port) where our said vessel may be trading, you may be called upon by said charterers to furnish (type of supplies or services) for their use in connection with the vessel.

We wish advise for your guidance that under the terms of the charter between us, as owner of said vessel and said charterers, neither the charterers nor the Master nor any other person has power or authority to pledge either our or our said vessels credit, or to create, or permit to be created, any liens on our said vessel, and that accordingly any such (type of supplies or services) furnished by you to our said vessel will be so furnished solely upon the credit of Messrs, (name) as charterers, and not on the credit of the vessel or ourselves as her owners”. (signed)                                       

(Kính gửi:…

Gần đây, chúng tôi đã cho công ty (tên công ty) thuê tàu của chúng tôi (tên tàu, loại tàu, cờ tàu) theo phương thức thuê tàu định hạn. Như vậy, công ty (tên công ty) là người thuê tàu định hạn.

Chúng tôi được biết, quý công ty là người cung cấp (tên hàng hóa, dịch vụ) tại cảng (tên cảng) mà tàu của chúng tôi có thể lui tới và chúng tôi xin được lưu ý là công ty (tên công ty thuê tàu định hạn) là người yêu cầu/đặt mua (tên hàng hóa hoặc dịch vụ) để sử dụng cho tàu mà họ thuê định hạn của chúng tôi.

Chúng tôi cũng xin làm rõ thêm là theo các điều khoản của hợp đồng thuê tàu định hạn giữa chúng tôi – chủ tàu, và công ty nói trên – người thuê tàu định hạn, thì người thuê tàu định hạn cũng như thuyền trưởng hay bất kỳ người nào khác đều không có quyền, được ủy quyền, hay được phép dùng tàu của chúng tôi để làm tài sản thế chấp, hứa hẹn, cam kết, hoặc bảo đảm mà những hành vi như vậy có thể làm cho tàu bị bắt giữ. Chính vì vậy, trách nhiệm thanh toán (tên hàng hóa hoặc dịch vụ) mà quý công ty cung cấp cho tàu hoàn toàn thuộc trách nhiệm của (tên công ty) – người thuê tàu định hạn, chứ không thuộc bất kỳ trách nhiệm nào của tàu nói trên hay của chúng tôi – với tư cách là chủ tàu). (ký tên)

Việc quan trọng không kém những biện pháp nêu trên là chủ tàu nên thường xuyên lưu ý thuyền trưởng, máy trưởng và cùng theo dõi, kiểm tra việc cung ứng, thanh toán tiền hàng hoặc dịch vụ của tàu để có biện pháp xử lý kịp thời./.

LS. Ngô Khắc Lễ 

 

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *