Nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đã tái hoạt động nhanh, chuẩn bị “bung lụa” mở rộng thêm. Do vẫn đối mặt nỗi lo tái dịch nên nhiều nơi vẫn thận trọng, với nhiều đề xuất để yên tâm hoạt động lại.
Một doanh nghiệp tại TP.HCM đang áp dụng vừa “3 tại chỗ”, vừa “4 xanh” để đảm bảo duy trì dây chuyền sản xuất – Ảnh: N.H.
Thực hiện đơn hàng giai đoạn cao điểm cuối năm đã bắt đầu nên nhiều DN vẫn tạm thời duy trì hình thức sản xuất, lưu trú tập trung để ngăn khả năng sản xuất bị ảnh hưởng nếu dịch bệnh tái bùng phát.
Phúc lợi tốt, lao động trở lại đông
Ngày 6-10, nhà xưởng chuyên sản xuất, lắp ráp các loại xe tải của Công ty TNHH Daehan Motors (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp (KCN) Cơ khí ôtô TP.HCM (huyện Củ Chi) đã bước sang ngày thứ 3 tái hoạt động và có tới 80% công nhân, kỹ sư trở lại nhà máy. Do sử dụng lao động chủ yếu là người dân địa phương tại huyện Củ Chi nên việc khôi phục sản xuất của Daehan Motors cũng như những công ty khác tại KCN này khá thuận lợi, tỉ lệ lao động trở lại nhà xưởng đều ở mức cao.
Ông Nguyễn Hải Trung – tổng giám đốc Công ty TNHH Daehan Motors – cho biết do công ty có nhà xưởng rộng nên các tiêu chí an toàn về phòng dịch, khoảng cách đều rất đảm bảo, công suất sản xuất của nhà máy đã đạt khoảng 70% so với trước dịch.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hoàng – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) – cho hay do đơn hàng ổn định nên công ty đã có những chính sách phúc lợi cho cả người lao động đang sản xuất “3 tại chỗ” lẫn lao động phải tạm ngưng làm việc trong 3 tháng qua, do đó lượng công nhân có thể trở lại nhà máy đạt tỉ lệ cao bất ngờ.
Theo bà Hoàng, đến chiều 6-10, kết quả khảo sát của DN cho thấy đến 95% công nhân của DN sẵn sàng quay trở lại nhà xưởng ngay khi được kêu gọi. Số còn lại chỉ 5% công nhân chưa sẵn sàng do nhiều lý do như gia đình ở khu phong tỏa, công nhân là F0…
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, nhiều DN ở TP.HCM giữ chế độ đãi ngộ tốt đã giữ được công nhân và gọi được lượng công nhân quay lại rất tốt.
Đại diện một DN tại Khu chế xuất Tân Thuận cho hay công ty có chính sách giữ lao động tốt, không chỉ đảm bảo theo quy định bằng 50% mức lương tối thiểu vùng mà còn áp dụng nhiều chính sách phúc lợi khác giúp công nhân đạt đến 80% mức lương khi tạm ngưng công việc nên đến nay DN này hầu như không có tình trạng lao động về quê.
Thận trọng để không bị gián đoạn
Cùng việc mở lại sản xuất, các DN đang có nhiều cách khác nhau để đảm bảo sản xuất liên tục. Bởi nếu bị bùng dịch, DN có trách nhiệm và đối mặt khả năng bị phong tỏa một phần, thậm chí cả nhà máy, nếu nhiều dây chuyền cùng có ca nhiễm.
Sau 3 tháng tổ chức “3 tại chỗ”, Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam cho hay vẫn tiếp tục áp dụng mô hình này thêm một giai đoạn chuyển tiếp để theo dõi các DN khác trong TP thí điểm trước khi chuyển sang “4 xanh”. Hiện DN này vẫn duy trì hơn 520 công nhân vừa sản xuất, vừa lưu trú trên tổng số khoảng 1.200 công nhân.
Còn Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc (FAPV) tại Khu chế xuất Tân Thuận có 7.000 công nhân cũng đã dần chuyển đổi mô hình từ “3 tại chỗ” sang “4 xanh” để tái sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”. Tới chiều 6-10, có khoảng 50% lao động của DN đã tham gia sản xuất, nhiều lao động đáp ứng đủ các tiêu chí về vắc xin, sống ở “vùng xanh” tiếp tục được DN đưa vào sản xuất.
Tuy nhiên, đại diện DN cho hay các lao động này sau khi test nhanh có kết quả âm tính vẫn không vào nhà xưởng làm việc ngay mà DN cho công nhân tạm thời lưu trú tại các khách sạn, tiếp tục test PCR, sau đó mới đưa vào làm. Nhờ vậy, DN này cho hay đơn hàng đảm bảo và lượng công nhân vào nhà xưởng cũng đảm bảo cho hoạt động sản xuất ổn định.
DN này cho rằng cũng cần sự chung tay nâng cao ý thức phòng dịch cho công nhân khi ra ngoài cộng đồng, nhất là khi về lại các nhà trọ, tránh để bùng dịch trở lại sẽ gây thiệt hại lớn trong giai đoạn sản xuất quan trọng đơn hàng cuối năm.
Ông Phạm Văn Việt – tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) – cho hay DN hiện áp dụng linh hoạt các phương án sản xuất mà TP đưa ra, trong đó vừa cho công nhân sản xuất, lưu trú tại chỗ lẫn cho công nhân đi về gia đình theo hình thức “4 xanh”. Theo ông Việt, công nhân lưu áp dụng “4 xanh” đang duy trì ở mức 30% để đảm bảo an toàn cho nhà xưởng, DN sẽ nâng dần tỉ lệ này lên vào cuối tháng 10, tiến tới sản xuất bình thường.
Trong khi đó, một DN sản xuất tại quận 7 vẫn tiếp tục áp dụng “3 tại chỗ” bước sang tháng thứ 4 để kịp tiến độ các đơn hàng xuất khẩu. “Chúng tôi không hề có một F0 nào từ khi sản xuất tập trung đến nay nên rất muốn duy trì thành quả đó để sản xuất. Chúng tôi đang khảo sát công nhân, nếu số đông công nhân chấp thuận, chúng tôi sẽ sản xuất “3 tại chỗ” từ nay đến tết” – vị giám đốc công ty nói.
Vẫn lo chính sách “đóng – mở” ở các địa phương
Không thiếu lao động, đơn đặt hàng ổn định nhưng ông Nguyễn Hải Trung cho hay một số tỉnh ở ĐBSCL bắt đầu có thông tin tạm ngưng tổ chức đăng ký xe mới… khi lượng người đổ về quê đông sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, bán xe của công ty.
Theo ông Trung, nếu việc kinh doanh ổn định, DN này có thể nâng công suất sản xuất cũng như sử dụng lượng lao động gấp đôi so với hiện nay. Ông Trung kiến nghị các tỉnh lân cận TP.HCM sớm có hướng dẫn cho các lao động được thuận lợi đi và về giữa nhà xưởng, nhà ở bằng xe cá nhân.
Nhiều DN cũng cho hay việc mở cửa sản xuất chưa dám mạnh mẽ vì lo chính sách nay đóng mai mở của địa phương có thể ảnh hưởng đến thị trường.
Bình Dương: DN bắt đầu tuyển lao động trở lại
Ngày 6-10, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết số lượng nhà máy đăng ký hoạt động trở lại đã nhiều lên. Ngoài các DN đang hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” thì hiện đã có gần 200 DN đăng ký mới mà chủ yếu theo mô hình “3 xanh” (nhà máy xanh, công nhân xanh, nhà trọ xanh). Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp phép hoạt động cho tổng cộng 476 hồ sơ của DN, với hơn 77.000 lao động.
Với các DN ngoài khu công nghiệp, UBND cấp huyện cũng bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký hoạt động trở lại và đang có xem xét đối với từng trường hợp cụ thể với tiêu chí “an toàn tới đâu hoạt động lại tới đó”.
Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết ước tính các DN đang đăng ký qua trung tâm cần khoảng 50.000 lao động. Nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng vài trăm người lao động tới trung tâm giới thiệu việc làm, một phần để làm thủ tục lãnh bảo hiểm nhưng nhiều người khác cũng mong muốn tìm được việc làm phù hợp để có thu nhập sau thời gian dài giãn cách.
Hiện tỉnh Bình Dương đang bắt đầu tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2 cho người dân, trong đó ưu tiên người lao động tại các khu công nghiệp.
BÁ SƠN
https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-ron-ren-bung-lua-20211007080154995.htm