Ngày 30-9, đại tá Trần Tiến Đạt – phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai – cho biết gần đây có hiện tượng người dân, công nhân lao động trên địa bàn tụ tập đông người để về quê tự phát.
Công nhân ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai tụ tập về quê tự phát bằng xe máy nhưng được chính quyền vận động ở lại – Ảnh: N.Đ.N.
Cụ thể, tối 29-9, có khoảng 70 công nhân của các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP Biên Hòa đi xe máy đến chốt kiểm soát tại cầu Hóa An (TP Biên Hòa) để về quê tự phát.
Lực lượng chức năng sau đó đã giữ lại, đề nghị 3 địa phương lên nhận người về. Đến gần 21h tối cùng ngày, còn khoảng 30 người chưa về nên được bố trí nơi ở để tiếp tục xử lý.
Muốn đưa con về quê nhập học
Trước đó, trưa 29-9, khoảng 200 công nhân người Chăm tại địa bàn huyện Vĩnh Cửu cũng tụ tập, khăn gói sẵn sàng để về quê tự phát. Chính quyền địa phương đã đến hiện trường vận động nhiều giờ liền người dân mới chấp nhận ở lại.
Ông Nguyễn Văn Thuộc – bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu – cho biết qua làm việc với đại diện nhóm công dân trên, nguyên nhân công nhân muốn về do tháng 7 nghỉ hè họ đón con vào chơi rồi mắc kẹt, giờ muốn đưa con về quê đi học lại.
Bên cạnh đó, 3 tháng giãn cách, thất nghiệp khiến họ không thể trụ nổi, dù Nhà nước và doanh nghiệp có hỗ trợ nhưng chưa đảm bảo; phòng ốc chật chội, ngột ngạt; hết tiền sinh hoạt… “Yêu cầu duy nhất của họ là được về quê”, ông Thuộc nói.
Ông Thuộc cho biết đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về việc tiếp nhận 200 công nhân người Chăm về địa phương nhưng chưa được. Phía Ninh Thuận lý giải bình quân mỗi ngày tiếp nhận 200-300 người từ các tỉnh phía Nam về gây áp lực cho địa phương trong công tác phòng chống dịch. Do đó, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận mong Đồng Nai hỗ trợ, động viên bà con tiếp tục ở lại, hết dịch rồi trở về sau.
Đánh giá vấn đề này, đại tá Đạt cho rằng đang có “làn sóng” kéo về quê tự phát và nhiều công nhân lao động đang trông chờ sau 30-9 mở cửa sẽ đi về quê.
Do đó, ông đề xuất các huyện, thành phố đông công nhân lao động chú ý các khu nhà trọ, ưu tiên tiêm vắc xin và làm tốt công tác an sinh ở khu vực này; sớm tạo điều kiện cho người lao động đi làm lại; vận động chủ trọ giảm tiền thuê phòng, tiền điện nước.
Đồng thời đề nghị Sở Lao động – thương binh và xã hội Đồng Nai liên hệ các tỉnh bạn để sắp xếp đưa công nhân lao động có nhu cầu về quê an toàn, đảm bảo phòng chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng người dân về quê với lý do chính đáng cần phải hỗ trợ – Ảnh: A LỘC
Nguyện vọng chính đáng cần phải quan tâm
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai – cho rằng việc người dân muốn về quê là nguyện vọng chính đáng nên phải quan tâm, cố gắng vận động người dân ở lại là quan trọng nhất.
“Gắn vận động với an sinh để người dân đồng thuận với chủ trương. Nguyện vọng nào chính đáng của họ chúng ta đáp ứng được phải đáp ứng ngay. Ví dụ con em họ muốn về quê học thì phối hợp giúp cho con em người ta về quê học. Đây là nguyện vọng quá chính đáng, phải ủng hộ giúp xe đưa về”, ông Lĩnh nói.
Bên cạnh đó, ông Lĩnh cho rằng do đời sống khó khăn, mất việc nên người dân mới muốn bỏ về quê. Khi trở lại trạng thái bình thường mới, nếu người dân được đi làm thì sẽ gắn bó trở lại.
“Mấu chốt là việc làm và đời sống. Ở Đồng Nai họ không còn sống nổi mới bỏ đi. Còn nếu được đi làm, kiếm ăn thì họ sẽ gắn bó. Đó là quy luật muôn thuở”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Mặc thường phục, đi xe bảng trắng kiểm tra tiêu cực tại các chốt
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo lực lượng quân sự, công an bố trí một bộ phận mặc thường phục, đi xe bảng số trắng để kiểm tra các chốt kiểm soát trên địa bàn có tiêu cực hay không.
Theo ông Lĩnh, một số người dân trực tiếp phản ánh đến ông một số chốt kiểm soát có vi phạm bỏ chốt, làm khó dễ người dân khi đi qua. “Dân phản ánh tôi một số chốt vi phạm chuyện đó, qua là 500.000 đồng mới cho qua. Không có thì kiếm đủ chuyện không cho qua, thậm chí gây khó dễ. Rồi giờ cao điểm, nghỉ ngơi bỏ chốt đi, không trực chốt”, ông Lĩnh nói.
https://tuoitre.vn/dong-nai-xuat-hien-lan-song-cong-nhan-keo-ve-que-tu-phat-20210930130018564.htm