Đường sắt Cát Linh – Hà Đông được cho sẽ có kết quả kiểm tra chất lượng cuối cùng vào đầu tháng 10-2021, nhưng Bộ Xây dựng cho biết hội đồng kiểm tra nhà nước chỉ họp, đánh giá sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình.
Vẫn còn nhiều vướng mắc phải giải quyết tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông – Ảnh: N.T.
Trong văn bản góp ý kiến về dự thảo báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị, vừa gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đề nghị sửa một số nội dung trong dự thảo báo cáo cho phù hợp với tiến độ hoàn thành nghiệm thu đường sắt Cát Linh – Hà Đông trên thực tế.
Sẽ nghiệm thu trong tháng 10
Dự thảo báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, khai mạc vào ngày 20-10 tới.
Cụ thể, nội dung dự thảo báo cáo (do Bộ Giao thông vận tải thay mặt Chính phủ soạn thảo) nêu: “Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành công tác nghiệm thu dự án…”.
Nhưng Bộ Xây dựng không đồng tình với nội dung này, và đề nghị sửa nội dung báo cáo thành “Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể công trình…”. Bởi việc nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông phải được Hội đồng kiểm tra nhà nước kiểm tra, đánh giá và thông qua.
Về tiến độ nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự kiến Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng vào đầu tháng 10-2021.
Nhưng Bộ Xây dựng khẳng định hội đồng chỉ tổ chức họp, kiểm tra công tác nghiệm thu dự án sau khi chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu công trình. Dự kiến thời gian nghiệm thu trong tháng 10-2021.
Về tình hình thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo dự thảo báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM, đến nay trong 14 gói thầu của dự án, có 8 gói đã hoàn thành, 6 gói đang trong quá trình thực hiện.
6 gói thầu thuộc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang thực hiện, bao gồm:
– Gói số 3 tư vấn giám sát thi công và lắp đặt;
– Gói số 4 tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán đã cơ bản hoàn thành khoảng 90% khối lượng;
– Gói thầu số 5, bảo hiểm công trình, đã hoàn thành khoảng 53% giá trị gói thầu;
– Gói thầu số 7, kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành;
– Gói thầu số 8, tư vấn giám sát và quan trắc môi trường, đã thực hiện khoảng 85%;
– Gói thầu số 10, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.
Việc vận hành chạy thử đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được tiến hành từ nhiều tháng qua – Ảnh: T.P.
Khó nhất là tổng thầu Trung Quốc không hợp tác
Khó khăn lớn nhất hiện nay tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo nội dung dự thảo báo cáo là công tác thanh quyết toán và việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Tổng thầu EPC Trung Quốc được chỉ định trong hiệp định vay vốn làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thiếu hợp tác và từ chối thực hiện kết luận kiểm toán, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của cơ quan kiểm toán.
Đồng thời, đường sắt Cát Linh – Hà Đông là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm thực hiện tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng, dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tập trung rà soát các hạng mục công việc, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận kiểm toán.
Bộ Giao thông vận tải nhận trách nhiệm
Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan tới dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dự án chậm tiến độ nhiều năm, tăng tổng vốn đầu tư từ khoảng 8.769,9 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) lên 18.001,5 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,6 tỉ đồng, ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu Trung Quốc, thì chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành dự án.
Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về chậm trễ trong giải phóng mặt bằng; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.
https://tuoitre.vn/du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-kho-nhat-la-tong-thau-trung-quoc-khong-hop-tac-20211016083416573.htm