Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) vừa đại diện cho 13 hiệp hội doanh nghiệp FDI gửi Chính phủ kiến nghị về dự thảo quy hoạch điện 8, trong đó đề nghị chỉ phát triển dự án nhiệt điện than đã được cấp đủ vốn.
Các kỹ sư vận hành hệ thống nhập than tại dự án nhiệt điện than phía Nam – Ảnh: NGỌC HIỂN
Trong thư khuyến nghị gửi Chính phủ, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ… cho rằng ngày càng có nhiều tổ chức tín dụng, tài chính và các ngân hàng thương mại quốc tế tuyên bố rút khỏi nhiệt điện than sau khi bị phản đối vì đã hỗ trợ các dự án điện phát thải nhiều carbon trên thế giới.
VBF nhận định, mặc dù một số dự án nhiệt điện than có vốn đầu tư nước ngoài đã thu xếp được nguồn tài chính và bắt đầu đi vào xây dựng, các dự án khởi động sau năm 2022 sẽ gặp khó trong việc thu xếp tài chính, chỉ thực hiện được khi có vốn đầu tư từ Chính phủ.
Do đó, VBF kiến nghị Việt Nam chỉ phát triển các dự án nhiệt điện than hiện hữu với điều kiện các dự án đó đã ký kết các tài liệu dự án và được cấp đủ vốn.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị cần tăng cường các giải pháp chuyển đổi sang nền năng lượng carbon thấp, chủ yếu thông qua việc sử dụng nguồn khí ngoài khơi Việt Nam và khí LNG nhập khẩu, khuyến khích phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn từ 1 đến 3 GW.
Đồng thời, VBF đề xuất bắt đầu nghiên cứu về hydrogen xanh và pin sắt – nước mặn sản xuất tại Việt Nam để chuyển đổi, hướng tới nền năng lượng không carbon vào năm 2050.
Đối với lĩnh vực điện mặt trời, VBF đề nghị khuyến khích phát triển các giải pháp phát điện phân tán như điện mặt trời mái nhà cung cấp điện tiêu thụ tại chỗ và không cần truyền tải, cần được tách biệt khỏi các dự án điện mặt trời quy mô lớn.
VBF cho rằng quy hoạch điện nên có một cơ chế linh hoạt rõ ràng, tạo điều kiện để một số nguồn năng lượng nhất định có thể được đẩy nhanh tiến độ ngay khi các dự án điện than không thể thu xếp được nguồn tài chính. Cơ chế linh hoạt này giúp đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật quy hoạch.
Về hành lang pháp lý, VBF đề nghị cần xây dựng một môi trường pháp lý mang tính xây dựng, cho phép thu hút các khoản đầu tư FDI trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cần thiết cho Việt Nam để sản xuất năng lượng sạch hơn, phát triển lưới điện và đảm bảo hiệu quả năng lượng.
Đồng thời, tăng cường chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với lĩnh vực tài chính, bao gồm cả việc sửa đổi luật liên quan đến đầu tư, nhằm tạo điều kiện để dòng vốn nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào phát triển điện lực Việt Nam.
https://tuoitre.vn/hiep-hoi-doanh-nghiep-fdi-kien-nghi-chi-phat-trien-du-an-nhiet-dien-than-da-du-von-20211015220520762.htm