Dù có trên 60% người lao động được khảo sát muốn về quê để phục hồi tâm lý, sức khỏe, song cũng có tới 96% trong số đó mong muốn được tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp cũ sau khi quay trở lại.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng dệt may, da giày khi người lao động về quê – Ảnh chụp màn hình
Thông tin được nêu ra trong buổi đối thoại trực tuyến “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam”, do hai Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da – giày – túi xách Việt Nam tổ chức ngày 8-10.
Thực hiện khảo sát ngành dệt may – da giày trong làn sóng COVID-19 năm 2021, TS Đỗ Quỳnh Chi, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC), chỉ ra việc nhiều trung tâm sản xuất lớn tại khu vực phía Nam phải tạm dừng hoạt động kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và việc làm của lao động.
Có tới 65,3% doanh nghiệp được khảo sát nằm trong khu vực áp dụng chỉ thị 16 ngừng hoạt động, trong khi 62,7% doanh nghiệp FDI vẫn duy trì hoạt động ở mức tối thiểu. Nguyên nhân là doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, chiếm trên 20% chi phí vận hành.
Doanh nghiệp cũng không thể hoàn thành đúng tiến độ, khi có 48,8% được hỏi chậm giao hàng; 23,8% chưa biết hoàn thành hay không và khoảng 20% cho biết phải hủy. Một số khách hàng đã hủy đơn hàng và rút sang Trung Quốc, Indonesia…
Từ đó, có 60% người lao động đang làm việc bị giảm thu nhập do giãn ca, làm việc không liên tục; 62% người lao động ngừng việc. Thiếu việc làm khiến cho 34,1% người lao động có triệu chứng bệnh lý căng thẳng. Trên 60% người lao động được hỏi muốn di cư về quê, và họ mong muốn hồi phục sức khỏe, tâm lý cho bản thân, con cái trong thời gian ngắn.
“Vấn đề người lao động về quê hiện nay cực kỳ nhức nhối, nhưng họ buộc phải về do đã gặp bất ổn về tâm lý, sức khỏe vì dịch. Vì thế, cần hỗ trợ người lao động trong việc tiêm vắc xin, chi phí xét nghiệm, phương tiện giúp họ quay trở lại làm việc…” – bà Chi nêu.
Hàng ngàn người lao động ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã về quê những ngày gần đây – Ảnh: A LỘC
Ông Trương Văn Cẩn, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng tâm lý lo sợ lây nhiễm cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập, đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về quê, và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày.
Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy không phải do yếu tố cung – cầu bên ngoài, mà do chính yếu tố trong nước, trong đó việc khan hiếm lao động là một nguyên nhân chính.
Bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành của AmCham (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam), cho rằng việc gián đoạn chuỗi cung ứng của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn tới nhà bán lẻ Mỹ, nên cần có hành động ngay để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng thêm nữa trên cơ sở mong muốn Chính phủ Việt Nam mở cửa an toàn.
Đồng tình, bà Claudia Anselmi, thành viên EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), kiến nghị cần nhanh chóng đưa ra hướng dẫn về thích ứng, sống chung với COVID-19, người tiêm 2 mũi được tự do tới nơi làm việc để thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất – nhà mua hàng; đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Cần tránh tình trạng cát cứ, chia cắt đi lại
Ông Nguyễn Văn Bình – vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội – cho hay sẽ áp dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu việc làm, phát triển thị trường dịch vụ việc làm công, nhằm kích hoạt thị trường lao động, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, để doanh nghiệp làm việc an toàn theo mô hình thích ứng với COVID-19, đặt ra yêu cầu linh hoạt với thực tiễn, đảm bảo các điều kiện đi lại, di chuyển không chia cắt giữa các địa phương, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp và tránh tình trạng “cát cứ”.
https://tuoitre.vn/lao-dong-ve-que-gay-nguy-co-dut-gay-chuoi-cung-ung-det-may-da-giay-20211008195103425.htm