Đã gần 1 tuần từ khi Chính phủ có nghị quyết 128, Bộ Y tế có hướng dẫn xác định cấp độ dịch của địa phương, cơ sở để giao thương, đi lại, xác định quy mô khi mở lại các dịch vụ…, đến nay còn 24 địa phương chưa thông báo xanh, vàng, cam, đỏ.
Hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế (ban hành ngày 13-10) – Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, đến nay còn 24 tỉnh thành (theo cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, có An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, TP.HCM, Khánh Hòa, Kiên Giang, Long An…) chưa thông báo cấp độ dịch dù đã có hướng dẫn rõ ràng, điều này đã ảnh hưởng đến mức độ áp dụng các biện pháp thông thương trong nội bộ và giữa các địa phương.
Trong số này, Hà Nội đã có thông báo toàn thành phố được xác định là vùng xanh từ sớm (15-10), 579/579 xã phường đều là vùng xanh, nhưng trong thống kê của Bộ Y tế tính đến ngày 18-10 vẫn trắng phần của Hà Nội.
Cấp độ dịch TP.HCM sẽ được công bố công khai vào thứ hai hằng tuần
Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể việc đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn phường, xã, TP Thủ Đức, quận, huyện dựa trên 3 tiêu chí về số ca mới tại cộng đồng, độ bao phủ vắc xin và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.
Các địa phương sẽ tự đánh giá phân loại cấp độ dịch theo nghị quyết 128 ngày 11-10 của Chính phủ vào ngày thứ sáu hằng tuần.
Đồng thời thực hiện đối chiếu, so sánh kết quả đánh giá của quận, huyện và TP Thủ Đức với kết quả của các phường, xã, thị trấn trực thuộc và giữa các phường, xã với nhau để có các giải pháp can thiệp phù hợp.
Ngay sau khi có kết quả đánh giá, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện và TP Thủ Đức tổng hợp, gửi báo cáo kèm kế hoạch can thiệp đối với các địa bàn có cấp độ dịch diễn biến theo chiều hướng xấu về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP và Sở Y tế.
Kết quả đánh giá cấp độ dịch sẽ được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP công bố vào thứ hai hằng tuần, tại Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM và Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Tải lượng chủng Delta cao hơn 251 lần so với trước, nghiên cứu ở nhóm đã tiêm chủng
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho biết sự kiện bệnh viện phong tỏa giữa tháng 6-2021 khi các nhân viên của bệnh viện nhiễm COVID-19 vừa được công bố trên EClinicalMedicine, tạp chí y khoa uy tín The Lancet.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Anh đã phối hợp thực hiện khảo sát chi tiết về biểu hiện lâm sàng, diễn tiến virus học, mức độ kháng thể trung hòa trên 62/69 nhân viên y tế đã tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đem hành lý vào bệnh viện chiều 12-6 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Kết quả cho thấy, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin AstraZeneca vẫn có thể bị nhiễm biến chủng Delta, có thể lây cho những người khác (gồm cả những người đã tiêm đủ liều vắc xin). Tất cả đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Tải lượng virus của chủng Delta có thể đạt đỉnh cao hơn chủng trước đây 251 lần. Thời gian PCR dương tính kéo dài (trung bình là 21 ngày, thay đổi từ 8-33 ngày).
Nhóm bị nhiễm có trị số “trung bình” nồng độ kháng thể trung hòa thấp hơn nhóm không nhiễm; nhưng xét trên từng cá thể thì vẫn có những cá thể có nồng độ kháng thể trung hòa cao khi bị nhiễm. Đồng thời, nồng độ kháng thể trung hòa cao hay thấp không liên quan gì với tải lượng virus trong mũi họng.
Vào giữa năm 2021, nhiều người tin rằng sau khi tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 thì sẽ an toàn, không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng khi xuất hiện biến chủng Delta.
Tiêm chủng chưa đạt tiến độ yêu cầu của Bộ Y tế
Bộ Y tế đã có yêu cầu các địa phương tăng cường tiêm chủng, mỗi ngày đạt tối thiểu 2 triệu mũi, từ khi bộ có yêu cầu này, tiến độ tiêm chủng có tăng chút ít, nhưng cao nhất chỉ đạt khoảng 1,3 triệu mũi/ngày, chưa đạt tiến độ yêu cầu.
Đến nay toàn quốc đã tiêm được trên 65,7 triệu mũi tiêm, các kho vẫn còn trữ trên 20 triệu liều vắc xin.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới: WHO lo ngại thông tin dịch bệnh ở châu Phi
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 18-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 241,59 triệu ca COVID-19, trong đó có 4,91 triệu người tử vong. Số người khỏi bệnh đã lên tới 218,81 triệu người.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 77,97 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 61,62 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 55,05 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,14 triệu ca, tiếp đến là châu Phi (8,50 triệu ca nhiễm) và châu Đại Dương (276.844 ca nhiễm).
Singapore đã siết chặt các quy định giãn cách xã hội vì số ca nhiễm tăng mạnh – Ảnh: REUTERS
Dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, nhờ đó, các nước dần dỡ bỏ và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch, từng bước khôi phục trạng thái bình thường mới và sống chung an toàn với COVID-19.
Singapore thông báo từ ngày 19-10, nước này miễn quy định cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ 8 nước đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 gồm Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ.
Một nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vắc xin COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia – Ảnh: REUTERS
Tại Campuchia, lệnh nới lỏng thời gian cách ly phòng dịch COVID-19 chính thức có hiệu lực từ ngày 18-10 điều chỉnh quy định phòng dịch, thời gian cách ly rút ngắn được áp dụng cho tất cả du khách nhập cảnh qua tất cả các cửa khẩu biên giới.
Trong gần hai tuần qua, nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đã lắng dịu ở Nhật Bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 ở nước này.
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng muộn nhất là vào đầu tháng 11. Sau đó, Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vắc xin bổ sung vào tháng 12.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm cho người dân tại một điểm tiêm chủng ở Yogyakarta, Indonesia, ngày 8-8-2021 – Ảnh: Xinhua
Indonesia tiếp tục gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 1-4 từ ngày 19-10 đến 2-11 tại Java và Bali, và từ ngày 19-10 đến 8-11 tại các địa phương nằm ngoài hai hòn đảo đông dân này.
Chính phủ New Zealand tuyên bố thành phố Auckland lớn nhất nước này tiếp tục thực hiện phong tỏa cấp độ 3 thêm 2 tuần nhằm khống chế tốc độ lây lan của biến thể Delta.
Tại Thái Lan, các tỉnh Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala ngày 18-10 ghi nhận tổng cộng 2.303 ca COVID-19 mới so với 1.610 ca được ghi nhận ở vùng Bangkok mở rộng.
Tại châu Âu, Anh và Nga đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại Anh đang có dấu hiệu phức tạp. Ngày 17-10, Anh ghi nhận 45.140 ca mắc mới, 57 ca tử vong và 915 ca nhập viện.
Trong 7 ngày qua, tỉ lệ ca mắc mới ở nước này đã tăng 15% lên gần 300.100 ca, trong khi số ca tử vong và nhập viện tăng lần lượt 8,5% và gần 7% lên 852 ca và 5.559 ca.
Ngày 18-10, Nga ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 34.325 ca – cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 8.027.012 ca, trong khi số bệnh nhân COVID-19 qua đời lên tới 224.310 ca sau khi ghi nhận thêm 998 ca trong 24 giờ qua.
Các nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm cộng đồng tại Djibouti, châu Phi – Ảnh: AFP
Tại châu Phi, một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy khoảng 7 ca COVID-19 tại châu lục này thì chỉ có 1 ca được phát hiện. Theo phân tích của WHO, số ca mắc COVID-19 trên thực tế tại châu Phi có thể lên tới 60 triệu ca.
Ông Matshidiso Moeti, giám đốc WHO tại châu Phi, chỉ rõ hầu hết các xét nghiệm COVID-19 đều được thực hiện ở những người có triệu chứng, số ca tử vong tại châu Phi cũng không được thống kê đầy đủ.