Việt Nam đề xuất 3 khuyến nghị tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển, trong đó kêu gọi bảo đảm tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng và sớm nhất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chia sẻ vaccine cũng như hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine.
Nhận lời mời của Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự khóa họp lần thứ 15 của UNCTAD được tổ chức từ ngày 3-7.10 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Geneva (Thụy Sỹ) và Bridgetown (Barbados). Khóa họp có chủ đề “Từ bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương đến thịnh vượng cho tất cả mọi người”.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, các nước đang phát triển đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng để thúc đẩy thương mại và phát triển trong bối cảnh phục hồi từ COVID-19. Theo đó, Liên Hợp Quốc cần phát huy vai trò hỗ trợ các nước đang phát triển trong các nỗ lực này.
Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng thế giới đang ở thời điểm quan trọng trong lịch sử của chủ nghĩa đa phương khi các nước đang phát triển đối mặt với rất nhiều thách thức trên các lĩnh vực, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Nhiều nhà lãnh đạo nhấn mạnh thông điệp tiếp cận bình đẳng vaccine COVID-19, tăng cường phối hợp đa phương trong ứng phó khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng nợ.
Phát biểu tại phiên toàn thể hội nghị ngày 6.10, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, năm 2021 đánh dấu một chương mới của thương mại và phát triển toàn cầu. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất 3 khuyến nghị quan trọng. Thứ nhất, hơn lúc nào hết, cần đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao khả năng thích ứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên phạm vi toàn cầu, đồng thời củng cố những nền tảng để nâng cao khả năng tự cường trước các cú sốc toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai.
Bộ trưởng kêu gọi cần bảo đảm tiếp cận vaccine công bằng và sớm nhất, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chia sẻ vaccine cũng như hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine. UNCTAD cần phối hợp chặt chẽ với các cơ chế đa phương, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc giải quyết các thách thức đang đặt ra trong thương mại và phát triển, nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế…
Thứ hai, phát triển trong tương lai cần bảo đảm tính bền vững, bao trùm cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Bộ trưởng đề nghị cần tăng cường các nỗ lực quốc tế để hỗ trợ nâng cao khả năng thích ứng của những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực tiểu vùng Mekong và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Thứ ba, UNCTAD cần phát huy vai trò trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu về đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm tạo ra các động lực mới cho phát triển bền vững và tăng trưởng trên nền tảng công nghệ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của UNCTAD và cộng đồng quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, đồng thời sẽ tiếp tục chung tay cùng cộng đồng quốc tế để bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Hội nghị UNCTAD 15, hội nghị quan trọng của cơ chế hợp tác và phát triển lớn nhất toàn cầu, sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 7.10. Dự kiến, hội nghị thông qua Tuyên bố “Từ bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương đến thịnh vượng cho tất cả mọi người” nhằm khẳng định cam kết của UNCTAD trong việc ứng phó với các thách thức về thương mại và phát triển trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19 vì mục tiêu thịnh vượng cho tất cả mọi người. Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh chìa khóa để giải quyết các thách thức về thương mại và phát triển toàn cầu là đẩy mạnh chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác quốc tế.
Ngoài phiên thảo luận toàn thể, đoàn Việt Nam cũng tham dự và đóng góp tích cực đóng góp tại hội nghị quan chức cao cấp, hội nghị bộ trưởng nhóm G77 và Trung Quốc.