Vòng loại thứ ba World Cup 2022, tuyển Trung Quốc – tuyển Việt Nam: Hy vọng có chiến thắng đầu tiên

Đăng ngày 07/10/2021 lúc: 08:1070 lượt xem

Vào lúc 0h00 (giờ Hà Nội) ngày 8.10, Tuyển Trung Quốc và Tuyển Việt Nam cùng bước chân qua vạch vôi trắng và tiến vào thảm cỏ xanh, bỏ lại tất cả sau lưng để bóng đá “nói chuyện” 3 điểm…

Lần giở quá khứ

24 năm kể từ lần đầu tiên gặp nhau ở sân chơi lớn là vòng loại World Cup 1998, đội tuyển Việt Nam chưa một lần thắng đội tuyển Trung Quốc. 6 lần gặp nhau là 6 thất bại, mở đầu bằng tỉ số 1-3 trên sân Thống Nhất năm 1997. Cho đến lần gần nhất gặp nhau ở trận giao hữu năm 2012 tại Vũ Hán, kết quả 3-0 khẳng định sự vượt trội của tuyển Trung Quốc.

Trong 6 trận, chỉ duy nhất năm 2010 – tại vòng loại Asian Cup, là tuyển Việt Nam thua với cách biệt tối thiểu (1-2). Còn lại đều cách biệt từ 2 bàn trở lên, đậm nhất là 6-1.

Giữa những thế hệ cầu thủ khác nhau, những huấn luyện viên khác nhau của đội tuyển Việt Nam, bóng đá Trung Quốc vẫn là một bức tường quá cao đối với tuyển Việt Nam. Điều đó cũng không khó giải thích, bởi cho dù bóng đá trong nước đã lên chuyên từ đầu những năm 2000 nhưng việc phát triển không đồng bộ, tiếp cận khoa học kỹ thuật quá muộn đã kéo theo nhiều thất bại.

Trong một vài thời điểm, hy vọng lóe lên nhưng cũng nhanh chóng tắt phụt vì nhiều vấn đề. Ngay cả việc chinh phục giải đấu trong khu vực là SEA Games cũng trở thành giấc mơ xa xỉ, trong khi tuyển Trung Quốc đã có lần đầu tiên giành vé dự World Cup vào năm 2002.

Sự biến thiên của lịch sử

Cho đến tận bây giờ, V.League vẫn là một điều gì đó khó giải thích, nhưng thật may, điều đó không lan sang đội tuyển Việt Nam nữa. Không cuộc cách mạng nào không phải trải qua gian khó, sau thất bại với phong cách Nhật Bản của huấn luyện viên Toshiya Miura (2014 đến 2016) cũng như thử nghiệm huấn luyện viên người Việt Nam là Nguyễn Hữu Thắng, năm 2017 trở thành bước ngoặt của bóng đá Việt Nam với bản hợp đồng đưa Park Hang-seo lên ghế huấn luyện.

Những tâm huyết huấn luyện viên người Hàn Quốc đổ vào bóng đá Việt Nam 4 năm qua đã mang lại thành quả, với dấu ấn của đội U.23 tại Thường Châu, với lời nguyền SEA Games bị phá vỡ và lần đầu tiên trong lịch sử, “Những chiến binh sao vàng” lọt vào vòng loại cuối cùng một kỳ World Cup.

Ở phía bên kia, kể từ sau World Cup 2002 mà Hàn Quốc và Nhật Bản là chủ nhà, tuyển Trung Quốc không có thêm lần nào đến được vòng chung kết nữa, dù có Marcelo Lippi hay Fabio Cannavaro lèo lái. Cũng có chiến lược thu hút nhiều ngôi sao tên tuổi của bóng đá thế giới về để tăng thêm sức hấp dẫn cho C.League nhưng cuối cùng, nó được ví như sự “phát triển bong bóng” và đã vỡ tan, đẩy họ vào giai đoạn khủng hoảng.

Việc một vài ông chủ đầu tư vào các câu lạc bộ ở Châu Âu hay có cầu thủ đang chơi bóng ở Lục địa già cũng không thể che hết những vấn đề đang xảy ra ở bóng đá Trung Quốc. Và vì thế, đội tuyển quốc gia cũng chững lại. Việc phải dùng đến những cầu thủ nhập tịch đã làm mất đi niềm tự hào của các cổ động viên đất nước này.

Cái đầu lạnh và trái tim nóng

Tuyển Trung Quốc gặp tuyển Việt Nam thu hút sự chú ý đặc biệt, tạo sức ép lên các thành viên của cả 2 bên, nhất là trong bối cảnh đang cùng trắng tay sau 2 lượt trận. Nếu như khía cạnh chuyên môn là vấn đề mà 2 huấn luyện viên Li Tie và Park Hang-seo phải giải quyết thì ở đây, sự vững vàng về tâm lý, bản lĩnh là yêu cầu cực kỳ quan trọng.

Có thể thấy rằng, tuyển Trung Quốc đã tự tạo áp lực cho chính mình qua hành động và lời nói. Họ đã đến UAE trước cả tháng để chuẩn bị, tiêu tốn của Liên đoàn 620.000 USD, điều đó sẽ có những tác động tới tâm lý. Các cầu thủ đều khẳng định sẽ thắng, có “bài” để thắng, huấn luyện viên Li Tie còn đặt vấn nặng nề hơn.

“3 điểm trước đội tuyển Việt Nam quan trọng hơn lối chơi”, ông nói. Điều đó có đồng nghĩa với việc “bất chấp tất cả”? Rất có thể, bởi như truyền thông Trung Quốc bình luận, cựu tiền vệ này sẽ bị sa thải nếu thua trận này.

Lippi thì đánh giá “bóng đá Trung Quốc đang không ở trình độ xứng tầm với mục tiêu mà họ đề ra”, đó là một lý do khác tiếp thêm niềm tin cho tuyển Việt Nam.

Park Hang-seo rất hiểu tính chất của trận đấu cũng như sức ép đối với ông khi tuyển Việt Nam đã thua 3 trận liên tiếp. Tuy nhiên, như triết lý mà huấn luyện viên 64 tuổi mang đến Việt Nam, những chiến binh của ông cần có được cái đầu lạnh để kiểm soát những trái tim muốn bùng cháy cho trận đấu này.

Tấn công phủ đầu hay thủ thế chờ phản công, lựa chọn nào cũng cần xuất phát điểm là một tâm lý vững vàng. Bước qua vạch vôi và tiến vào thảm cỏ xanh, hãy gạt bỏ mọi thứ cảm xúc ở lại phía sau, để bóng đá “nói chuyện” theo cách riêng của nó.

Tuyển Việt Nam cần xua tan ám ảnh bởi VAR

Trận đấu trên sân Sharjah ở UAE sẽ do tổ trọng tài người quốc gia này điều khiển, trong đó, bắt chính là ông Mohamed Abdullah Hassan. Sự chú ý cũng được hướng đến công nghệ VAR, sau 2 trận đội tuyển Việt Nam đều nhận những quyết định bất lợi là bị thổi phạt 11m cùng thẻ đỏ cho Duy Mạnh (gặp Saudi Arabia) và từ chối quả 11m (gặp Australia).

VFF thậm chí đã có thư gửi FIFA và AFC đề nghị tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác trọng tài ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Hướng đến trận đấu với tuyển Trung Quốc, các cầu thủ Việt Nam cần xua tan ám ảnh bởi VAR. Bởi lẽ, điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của các cầu thủ nơi hàng phòng ngự.

LÊ VINH
https://laodong.vn/the-thao/vong-loai-thu-ba-world-cup-2022-tuyen-trung-quoc-tuyen-viet-nam-hy-vong-co-chien-thang-dau-tien-960962.ldo

Có thể bạn quan tâm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *